Return to site

NỬA Ổ BÁNH MÌ

Chia sẻ nửa ổ bánh mì mà ta ăn cho người đang đói tức là ta có tổng vị ngon của 4 ổ bánh mì.

Nếu 1 mình ta tự ăn hết 1 ổ bánh -> tổng vị ngon nhận được là 1.

Nếu ta cho người đang đói 1/2 ổ, tức vị ngon tổng cũng không vì thế mà giảm đi. Số lượng bánh mì tăng không có nghĩa là vị ngon tăng thêm. Theo lý thuyết về hữu dụng biên (marginal utility – MU), vị ngon khi ăn còn giảm dần theo số lượng sau khi đạt đỉnh. Với người thông thường, không thật sự quá đói thì 1/2 ổ bánh mì đầu tiên sẽ cảm thấy ngon nhất và sự ngon miệng sẽ giảm dần sau đó, đến 1 lúc nào đó (ổ bánh mì thứ 2, thứ 3...) thì vị ngon sẽ chuyển thành âm, tức cảm giác ngán và ngán kinh khủng sẽ xuất hiện nếu cứ tiếp tục.

Do đó, ta ăn 1/2 ổ bánh mì, người đang đói ăn 1/2 ổ bánh mì thì vị ngon đạt được là cao nhất, ước tính vị ngon của cả 2 sẽ gấp đôi khi ta 1 mình ăn hết 1 ổ bánh mì, bởi vì với nửa ổ ta có vị ngon gần 1, với nửa ổ người đang đói có vị ngon hơn 1 (vị ngon sẽ lấy ta làm chuẩn vì ban đầu nếu không cho ai cũng có 1 mình ta ăn) -> ta có tổng vị ngon tương đương là 2 (*)

Ngoài ra, khi phát tâm cho người đang đói 1 nửa ổ bánh mì, ta cũng cảm thấy niềm vui và sự ngon miệng mà người kia ăn. Nhất là nếu 2 người cùng ngồi ăn để cùng cảm nhận vị ngon và niềm vui.

Ở chiều ngược lại, niềm vui và sự cảm kích mà người đang đói nhận được từ bạn cũng là 1 vị ngon, 1 niềm hạnh phúc. Bởi vì ăn cũng là để thỏa mãn và có được hạnh phúc. Do đó, mỗi hạnh phúc có được của mỗi người ta quy đổi tương đương thành vị ngon 1 ổ bánh mì -> ta có tổng vị ngon tương đương là 2 (**) 

Từ (*) và (**) ta có tổng vị ngon của cả 2 người là 4.

Một món ăn không thể là ngon nếu người ăn không thấy hạnh phúc trong lúc ăn. Cảm giác ngon miệng không chỉ đến từ thức ăn mà nó còn đến từ hoàn cảnh, tâm trạng tác động đến cảm xúc của người ăn. Ví dụ các tử tù trước bị hành quyết thường được cho ăn 1 bữa ăn cuối, thường các món ăn đều rất ngon nhưng với tâm trạng lúc đó họ còn cảm thấy món ăn là ngon nữa không? 

Câu nói trên tập trung vào sự quy đổi qua lại giữa vị ngon và hạnh phúc của cả 2 người cho và nhận mà không phải chính xác tuyệt đối theo toán học là 4. Nhưng qua sự quy đổi tương đương ta có 4 trường hợp cảm thấy hạnh phúc (mang lại cảm xúc) là 2 trường hợp ăn trực tiếp bánh mì của 2 người; và 2 trường hợp thấy hạnh phúc của người cho và người nhận qua sự cảm nhận niềm vui, hạnh phúc của người kia (phát tâm thiện và cảm kích tâm thiện). Những hành động này dù nhỏ nhưng luôn đọng lại trong tâm trí của cả 2 và dần làm thay đổi con người của cả 2 theo hướng tích cực. Bánh mì có thể ăn hết và tiêu tan nhưng giá trị, cảm xúc nhận được là còn ở lại.

broken image